Loading...
Skip to main content
Giới thiệu TAND Tỉnh Tuyên Quang

Giới thiệu TAND Tỉnh Tuyên Quang

img

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

image

Tuyên Quang là một tỉnh miền núi phía Bắc, có diện tích tự nhiên 5.870 km2, dân số trên 74 vạn người, tỉnh có 07 đơn vị hành chính trong đó có 01 thành phố thuộc tỉnh, 6 huyện với 141 xã, phường thị trấn cùng 22 tộc người cùng sinh sống.

Là địa danh giàu truyền thống văn hóa, lịch sử. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Tuyên Quang là thủ đô khu giải phóng, thủ đô kháng chiến. Tại Tân Trào - Sơn Dương; Kim Bình - Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với vận mệnh dân tộc như: nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng đã ở và lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng 8/1945 giành thắng lợi; Quốc dân đại hội; Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II và nơi Trung ương Đảng, Quốc Hội, Chính Phủ, Mặt trận Tổ quốc và 65 cơ quan, ban, ngành trung ương; 13/14 các Bộ, cơ quan ngang Bộ ở và làm việc.

Lịch sử hình thành và phát triển của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tuyên Quang nằm trong tiến trình phát triển của hệ thống Tòa án nhân dân nói chung, quá trình xây dựng và trưởng thành của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tuyên Quang có tên gọi khác nhau do biến động về tổ chức như sát nhập, chia tách địa giới hành chính (giữa 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang). Tháng 12 năm 1975 thi hành Nghị quyết của Bộ Chính trị hợp nhất 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, Tòa án tỉnh Hà Tuyên được thành lập. Đến tháng 8 năm 1991, tỉnh Hà Tuyên chia tách (thành tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang) thì Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang trở về với tên gọi của mình, đây cũng là thời điểm đánh dấu một bước phát triển mới của Tòa án tỉnh nhà.

Trải qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, sự hình thành và phát triển của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tuyên luôn bám sát yều cầu nhiệm vụ cách mạng qua từng thời kỳ, thường xuyên gắn việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tòa án với nhiệm vụ chính trị của địa phương, cũng như yêu cầu đấu tranh chống các loại tội phạm ở từng giai đoạn cách mạng. Bằng hoạt động của mình, Tòa án hai cấp tỉnh Tuyên Quang đã kịp thời xét xử nghiêm minh các đối tượng phản cách mạng, các hoạt động gián điệp, đầu sỏ việt gian, các hành vi chống phá chính quyền nhân dân, các tội phạm phá hủy các công trình quan trọng về an ninh quốc gia, các hành vi xâm phạm tài sản Nhà nước … Với sự nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn thử thách để hoàn thành nhiệm vụ của các thế hệ cán bộ Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tuyên Quang qua các thời kỳ cách mạng, đã thể hiện rõ vai trò của hệ thống Tòa án nói chung và Tòa án hai cấp tỉnh Tuyên Quang nói riêng là công cụ sắc bén của Đảng và Nhà nước ta, góp phần cho công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng quê hương Tuyên Quang giàu đẹp, văn minh.

Về cơ cấu tổ chức Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang có 06 Tòa, phòng trực thuộc gồm: Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính; Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án; Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng; Văn phòng và 07 đơn vị Tòa án nhân dân các huyện, thành phố gồm: Tòa án nhân dân thành phố Tuyên Quang, Tòa án nhân dân huyện Sơn Dương, Tòa án nhân dân huyện Yên Sơn, Tòa án nhân dân huyện Hàm Yên, Tòa án nhân dân huyện Chiêm Hóa, Tòa án nhân dân huyện Na Hang, Tòa án nhân dân huyện Lâm Bình. Trong đó, Tòa án nhân dân huyện vùng cao Lâm Bình được ra đời ngay sau khi thành lập đơn vị hành chính của huyện mới Lâm Bình (ngày 28/01/2011). Trong điều kiện còn khó khăn chưa có trụ sở làm việc, Tòa án nhân dân huyện Lâm Bình đã từng bước được kiện toàn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, được quần chúng nhân dân và cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.

Công tác tổ chức cán bộ và xây dựng Tòa án nhân dân qua nhiều năm xây dựng và trưởng thành, đội ngũ cán bộ, Thẩm phán Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tuyên Quang đã từng bước được bổ sung và không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tuyên Quang với tổng biên chế hiện có là 125 người, trong đó có 01 Thẩm phán cao cấp, 20 Thẩm phán trung cấp, 23 Thẩm phán sơ cấp, 12 Thẩm tra viên, 50 Thư ký và 19 công chức khác. Trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ công chức cũng không ngừng được nâng cao, 100% cán bộ công chức làm công tác chuyên môn nghiệp vụ đều có trình độ cử nhân Luật, 07 người có trình độ Thạc sỹ; 101 cử nhân Luật; 82/107 cán bộ đảng viên có trình độ Trung cấp lý luận chính trị trở lên, trong đó: Cao cấp chính trị 22 đồng chí, Trung cấp lý luận chính trị 60 đồng chí. Cán bộ, công chức Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tuyên Quang có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Đảng, Nhà nước, tận tụy phục vụ nhân dân. Đội ngũ Hội thẩm nhân dân hai cấp hàng năm đều được tập huấn về kỹ năng nghiên cứu, xét xử, nắm vững kiến thức pháp luật, áp dụng vào thực tiễn xét xử ở các Tòa án đảm bảo đúng pháp luật.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Tòa án nhân dân tối cao, cấp ủy và chính quyền địa phương, trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân các huyện, thành phố đã được sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới; cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xét xử và các mặt công tác của Tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh đạt hiệu quả cao. Cùng với các đơn vị Tòa án trong cả nước, đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tuyên Quang đã đoàn kết, nỗ lực, cố gắng khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xét xử, xây dựng cơ quan tiên tiến và Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần có hiệu quả vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương và của Tòa án. Với những kết quả đã đạt được trong nhiều năm phấn đấu, nỗ lực của các thế hệ cán bộ công chức, Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã vinh dự được tặng thưởng nhiều “Bằng khen”, “Cờ Thi đua” của Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, được Chủ tịch Nước tặng thưởng “Huân chương Lao động” hạng Nhì, hạng Ba...

Cán bộ, công chức Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tuyên Quang luôn tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng. Tiếp tục thực hiện lời Bác Hồ dạy “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”; tích cực thực hiện cuộc vận động “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án nhân dân”. Tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại, hạn chế, vượt mọi khó khăn, thử thách phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, bảo đảm Tòa án nhân dân thực sự là trung tâm của cải cách tư pháp và xét xử là hoạt động trọng tâm./. Ban biên tập

img


cdscv