Trong các ngày 7, 8, 9 tháng 3 năm 2023, Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang mở tòa xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Nguyễn Thị Hằng và đồng phạm, vụ án có 03 bị cáo và người bào chữa, 30 bị hại, 17 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng.

Toàn cảnh phiên toà
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang truy tố các bị cáo Nguyễn Thị Hằng, Đào Trọng Hiếu, Hoàng Lâm Tùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Kết quả tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm xác định: Trong khoảng thời gian từ tháng 5/2018 đến tháng 9/2019, lợi dụng Chương trình Thực tập kỹ thuật Nhật Bản, do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức, với chi phí dịch vụ thấp và mặc dù biết người đăng ký tham gia chương trình này không được qua công ty trung gian môi giới, nhưng Nguyễn Thị Hằng, Đào Trọng Hiếu, Hoàng Lâm Tùng vẫn câu kết lấy danh nghĩa Công ty Việt Phát chi nhánh Tuyên Quang (do Hiếu là Giám đốc và Hằng là nhân viên kinh doanh), cùng cấu kết với nhau để đưa ra thông tin gian dối để tư vấn, thu tiền của những người trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đăng ký tham gia chương trình học và một số chương trình xuất khẩu lao động khác, đã chiếm đoạt tiền của các bị hại như sau: Nguyễn Thị Hằng chiếm đoạt của 30 người tổng số tiền 2.243.900.000 đồng (Hai tỷ hai trăm bốn mươi ba triệu chín trăm nghìn đồng). Đào Trọng Hiếu chiếm đoạt của 29 người tổng số tiền 1.851.400.000 đồng (Một tỷ tám trăm năm mươi mốt triệu bốn trăm nghìn đồng). Hoàng Lâm Tùng câu kết với Hằng và Hiếu chiếm đoạt của 13 người tổng số tiền 798.000.000 đồng (Bảy trăm chín mươi tám triệu đồng).

Hội đồng xét xử tuyên án
Sau khi đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hằng 14 năm 06 tháng tù, Đào Trọng Hiếu 13 năm tù, Hoàng Lâm Tùng 08 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và buộc các bị cáo phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.
Đây là bài học thích đáng cho những kẻ có ý định lừa đảo, làm giàu trên mồ hôi công sức của người khác, cũng là lời nhắc nhở đối với người dân cần cảnh giác với thủ đoạn lừa xuất khẩu lao động. Trong điều kiện phát triển thông tin mạnh mẽ như hiện nay, người dân có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về các chương trình xuất khẩu lao động trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan có thẩm quyền như Bộ Lao động, thương binh và xã hội, tuy nhiên cần kiểm tra kỹ thông tin, người trực tiếp tư vấn, cách thức ký kết và thực hiện hợp đồng, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời góp phần ngăn ngừa tội phạm chung./.
Tin bài: Phương Hằng